Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Đền Chín Gian và những câu chuyện truyền thuyết độc đáo ở Quế Phong

Mỗi một dân tộc lại có những tín ngưỡng thờ cúng khác nhau, tạo nên sự đa dạng cho bản sắc dân tộc. Nhắc đến huyện Quế Phong đồng bào các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An chắc hẳn ai cũng biết đến Đền Chín gian và lễ hội độc đáo này- Tến Cau Hoong

Đền chín gian được xây dựng để thờ cúng các vị thần 




Với mỗi người Thái nơi vùng cao Tây Bắc xứ Nghệ, mảnh đất Mường Tôn vùng Quế Phong và một phần của huyện Quỳ Châu mãi mãi là nơi hướng tâm thức về một thời cha ông khai mường, lập đất. Và ngôi đền Chín Gian là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng linh thiêng... Mọi truyền thuyết cũng như các cứ liệu lịch sử đều chứng tỏ rằng, vùng Mường Nọc (Quế Phong) là mảnh đất đầu tiên mà bà con người Thái đã đến đây khai bản, lập mường, để ngày nay có cả một cộng đồng người Thái miền Tây đông đúc, quây quần hội tụ. Và với mỗi người dân tộc Thái, đây luôn là nơi hướng về trong tâm thức, để mỗi năm cùng nhau hành hương về nguồn cội, cùng mở hội tế trời, lễ tổ và cầu phúc cho chín bản mười mường.
Du lịch Quế Phong- khám phá bản sắc văn hóa bản làng người Thái.


Xung quanh về lịch sử hình thành của Đền Chín gian có khá nhiều ý kiến.


Theo các già bản:
 Đền được xây dựng vào thời gian Cầm Cần con của Cầm Lan thay cha làm Chẩu mường, kiêm Châu Hủa. Đó là những năm mường lớn Quỳ Châu thịnh vượng hơn cả: “Mỗi bước trâu đi là một chậu nòng nọc, mỗi khoảnh ruộng là một kho thóc vàng. Ở trong nhà, mỗi cái kén to bằng quả quéo, mỗi bắp tơ to bằng quả bí, bên trái nhà treo chiêng, bên phải nhà để sanh đồng. Dưới sàn nhà, trâu đứng chật sàn, lợn gà nhung nhúc. Đi ra ngoài sân, chỗ nào cũng đụng phải sào phơi tơ, chỗ nào cũng vướng phải dây phơi bọc chăn thêu, phơi váy áo”. Những năm đó, dân chúng làm ăn phát đạt, nên theo lời đề nghị của Cầm Cần, cả 9 mường góp công của làm Đền Chín Gian để thờ Trời (Thẻn Phà), vì Trời cho nên mới được như vậy và thờ con gái của trời (nàng Xỉ Đả), người đã dạy dân bản trồng bông, kéo sợi dệt vải, nhuộm màu, thêu thùa, may vá, nấu nướng,... Họ Cầm (Lo Kắm) cho rằng họ là con cháu của trời. Đền làm xong, các mường (Poọng), các họ người Thái dắt trâu đến cúng, đến mừng, thành thông lệ, lễ cúng thường tổ chức rất lớn.

Nghi thức tiến hành lễ hội ở đền chín gian



Và ngọn đồi Pú Pỏm được chọn để xây dựng ngôi Đền Chín gian, bởi lẽ theo truyền thuyết: “một hôm dân làng đang mở hội chín mường, trong khi các Mo thực hiện nghi thức tắm trâu ở bến Tà Khoẳng (một đoạn sông Nậm Giải), bỗng dưng có con rồng đến cuốn (Quái Mè Hảo) con trâu cái trắng của mường Tôn vào trong hang đá. Tạo mường cho rằng đây là điềm xấu, liền cho dân chúng giết trâu để lập đàn tế trời. Cả mường đang làm lễ tế trời, bỗng dưng mây đen kéo đến, sấm chớp mịt mùng. Hòn đá có cái hang mà rồng kéo trâu vào nứt ra thành 3 mảnh (hiện nay gọi là Tạch tà Khoẳng thuộc xã Châu Kim). Ngày hôm sau, từ đâu có một con quạ cổ khoang trắng bay đến đậu trên tảng đá bị sét đánh, sau đó cắp miếng xương trâu trắng, bay lên bầu trời lượn 9 vòng, rồi bay thẳng xuống một ngọn đồi có tên Pú Pỏm thuộc bản Piếng Chào thả khúc xương trâu trắng xuống đó. Lấy làm điềm lạ, Tạo mường cho rằng thần linh, Thẻn Phà và Tổ Tiên đã đồng ý chuyển đền về khu vực này, tức địa phận Châu Kim ngày nay, lập tức cả mường tập trung dựng đền tại nơi có khúc xương con trâu mà con Quạ khoang đã thả”.
Còn theo giới học giả
Theo giới học giả thì căn cứ lịch trình thiên di của nguời Thái vào đất Nghệ An và các nguồn sử liệu dân tộc học, truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua các câu chuyện về quá trình tạo bản lập mường của nhân vật Tạo Ló Ỳ và Cắm Lự - Cắm Lạn qua các bài dân ca dân tộc Thái ở Quế Phong cho rằng: Đền Chín Gian đã có gần 700 năm, gắn liền với quá trình khai phá của cộng đồng dân cư người Thái để lập thành 9 mường (Mường Tôn, Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng). Mường Tôn được xem là mường chủ (mường gốc) của đồng bào Thái, đây cũng là trung tâm hành chính của các mường và là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh để cầu an, cầu phúc cho nhân dân chín mường.
Người Thái ở Quế Phong đang làm lễ hiến trâu

Lẽ hội đền Chín Gian


Theo các tư liệu điền dã và ghi chép của Châu Hủa Cần (chủ trì đền Chín Gian từ năm 1883 – 1887) thì Đền Chín Gian được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIV gắn với quá trình khai bản lập làng của dòng họ Lo Kắm. Dòng họ này thiên di từ khu vực miền núi Tây Bắc của Việt Nam qua Lào rồi dạt về vùng núi Phủ Quỳ. Nguyên xưa, Đền được dựng ở vùng Pù Chò Nhàng thuộc thuộc bản Khoẳng (thuộc địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong ngày nay), sau đó chuyển đến đồi Pú Pỏm thuộc bản Piêng Chào (hiện nay). Lý do dời Đền có nhiều khảo dị khác nhau, nhưng lý do đáng tin cậy hơn cả đó là sự suy tàn của mường thời bấy giờ.

Như vậy, bằng những tư liệu trên có thể khẳng định rằng đền Chín gian được xây dựng cách chúng ta hiện nay khoảng 7 thế kỷ.
Một phần quan trong trong lễ hội đền chín gian- lễ hiến trâu


Đã thành lệ, trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló-ỳ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu của dân Mường Tôn dâng lên bao giờ cũng là một con trâu cái trắng- vật lễ trong các cuộc cúng tế linh thiêng nhất. Hai mường khác là mường Quáng và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, các mường còn lại cúng trâu đen, đặc biệt trâu không được có khuyết tật, nhất là do hổ vồ. Ngoài ra, mỗi mường phải có thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 gắp cá sông nướng.

Điểm nhấn đặc sắc, nổi bật và rất riêng của lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong, đó là lễ hiến trâu. Ngày lễ hội đầu tiên được dành để "qua cửa", sang ngày thứ 2 mới tiến hành nghi thức "Hắp quái", tức lễ nộp trâu trước khi hiến. "Bà mo chủ" dẫn các tạo mường, ông ạp (ông tắm trâu) và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu 3 vòng tỏ ý đồng lòng dâng trâu.

Sau đó ông ạp mới đưa trâu đi tắm ở bến sông Tà Tạo và đưa trâu lên buộc ở "Lắc quái"- cột buộc trâu. Trước 9 cây cột, có 9 cây đa cổ thụ của 9 mường. Sau khi "ông ạp" chém trâu, thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Bà mo tiến hành làm lễ nạp trâu suốt 3 ngày đêm, sau đó đem nấu tại chỗ mọi người cùng ăn, nhất thiết không ai được đem về.
Phần hội với nhiều trò chơi hấp dẫn


Nghi thức tín ngưỡng riêng của đồng bào người Thái còn được thể hiện rất rõ trong các hình thức hát khắp, hát nhuôn. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6-8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên mường Trời. Trong hành trình ấy, có cả đường sông, đường bộ. Khi bà mo cúng đến chỗ đi thuyền, các cô gái hát "Hắp khắp nhứa", tức hát đẩy thuyền, tới chỗ vua ở, hát "Chầu Phủa", tức lạy vua v.v...

Nếu không khí của lễ hiến sinh trong đền trang trọng bao nhiêu, thì các hoạt động vui chơi của phần hội lại vui nhộn bấy nhiêu. Trong hội trại bên ngoài đền, ngoài của các cơ quan, đơn vị và trường học, còn có 14 nhà trại của 14 xã, thị trấn được làm thành nhà sàn chắc chắn, phía trong bài trí theo hình thức sinh hoạt của người Thái, cùng với nhiều sản phẩm do đồng bào làm ra được giới thiệu để du khách có thể thưởng thức ngay trong nhà trại.

Năm nào cũng vậy, đến kỳ lễ hội, mỗi mường sẽ cử ra 9 đấu thủ đua tài trong trò chơi bắn nỏ, với phần thưởng là mảnh vải vuông do các cô gái tự dệt, một hộp đựng thuốc bằng bạc và một túi da đựng trầu cau..

Các cuộc thi vui khác như kéo co, vật dân tộc, ném còn, nhảy sạp, múa vòng, tung còn, đánh cồng chiêng, khắc luống, uống rượu cần, múa lăm vông, thi bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền, diễn xướng dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng và thi người đẹp chín mường đến từ 14 xã, thị trấn trong huyện.

Nhưng sôi nổi và tình tứ hơn cả, phải kể đến các hình thức diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái dân tộc Thái, như nhảy sạp, lăm, khắp, đặc biệt là hát xuối, lăm, nhuôn chúc Tạo mường sống lâu, chúc cho 9 bản 10 mường được bình yên, hạnh phúc. Những hoạt động vui chơi này được tổ chức quanh đền, ở các bản lân cận vào các buổi tối, kéo dài đến tận khuya.
Những cô gái Thái xinh đẹp trong lễ hội đền chín gian


Đến với lễ hội Đền Chín Gian, du khách còn được thưởng thức hình thức hát thơ theo cốt truyện trường ca của các chàng trai, cô gái Thái, đặc biệt là điệu hát "Hắp bảo xảo", tức hát giao duyên. "Khoi dặc tắt láu hưn Pú Quái á Mọc, dặc tan nắm chú Mướng Nọc á xiểng..." (Ước sao được hứng sương trên đền trâu cho bông lau gặp gió, ước được làm vợ, làm chồng với người Mường Nọc đẹp nổi tiếng cả 9 mường...). Những lời hát vấn vít bước chân, giọng hát chân thành, mộc mạc, lời ca mê đắm với những ánh mắt tình tứ, chao nghiêng đã dệt nên biết bao câu chuyện tình lãng mạn...

Nếu bạn là người yêu những bản sắc văn hóa, yêu nét đẹp người Thái ở Quế Phong, đừng quên về với đền chín gian và lễ hội đền độc đáo khi mua vé máy bay đi Vinh nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét